Cấu tạo và 4 chức năng chính của Gan con người

Gan là một cơ quan chiếm tỷ trọng rất lớn và chịu trách nhiệm thực thi nhiều nhiệm vụ quan trọng trong hệ tiêu hóa và được ví như một nhà máy hóa chất cực kỳ tinh vi của con người.

Cấu tạo và 4 chức năng chính của Gan con người

1. Vị trí và khối lượng, kích thước của Gan.

Gan nằm ở vị trí bên phải ổ bụng, nằm ngay dưới cơ hoành và tiếp giáp với nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Phía trước bên phải giáp với dạ dày, phía sau bên phải giáp với thận phải, phía dưới giáp với ruột non cùng ruột già. Mặt dưới của gan có túi mật.

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất của cơ thể, khối lượng gan nặng từ 1,4 – 1,8 kg đối với nam và 1,2 – 1,4 kg đối với nữ, nếu cộng thêm lượng máu trong gan là 800 – 900 ml thì gan sẽ nặng trung bình 2,3 – 2,4 kg.

Gan có kích thước bề ngang dài 25 – 28 cm, bề trước sau rộng 16 – 20 cm, chiều cao (độ dày) từ 6 – 8 cm.

2. Hình thể và cấu tạo của Gan

a. Hình thể bên ngoài của Gan

Gan được neo giữ cố định tại chỗ bởi 3 yếu tố chính:

Thứ nhất, tĩnh mạch chủ dưới (tĩnh mạch dẫn máu vào gan), dính chặt vào gan bởi các sợi liên kết

Thứ hai, các dây chằng gan và các lá phúc mạc trung gian cố định gan với cơ hoành và với các tạng lân cận, gồm các thành phần cụ thể sau:

  • Dây chằng liềm gan: treo gan vào cơ hoành và vào mặt trong thành bụng trước
  • Dây chằng tròn của gan: di tích của tĩnh mạch rốn đã bị tắc và thoái hoá thành một thừng sợi
  • Dây chằng vành
  • Dây chằng tam giác phải
  • Dây chằng tam giác trái
  • Mạc nối nhỏ: chủ yếu nối gan với dạ dày và phần trên tá tràng (ruột non)

Thứ ba, áp lực trong ổ bụng do trương lực của các cơ thành bụng, và sự liên quan với các tạng xung quanh cũng đóng góp một vai trò quan trọng giữ gan tại chỗ.

b. Cấu tạo của gan

Gan được cấu tạo bởi 3 thành phần chính: các bao gan, nhu mô gan, các mạch máu và đường dẫn mật trong gan.

Bao gan (áo gan) là các mô liên kết mỏng bao phủ bề mặt nhu mô gan. Nhu mô bao gồm các tế bào gan sắp xếp vào từng đơn vị cấu trúc gọi là các tiểu thùy gan. Mỗi tiểu thùy gan có cấu trúc hình đa giác, ở giữa hình đa giác là tĩnh mạch trung tâm tiểu thùy. Từ đây, các tế bào gan xếp thành bè gồm 2 hàng liền nhau tỏa ra phía ngoại vi như hình nan hoa, giữa 2 hàng tế bào gan có các đường ống nhỏ gọi là ống mật. Nơi 3 tiểu thùy tiếp xúc nhau gọi là khoảng cửa gồm các thành phần: 1 nhánh của tĩnh mạch cửa, 1 nhánh của động mạch gan, những sợi thần kinh, đường bạch huyết và một ống mật to hơn nhận mật từ các ống mật của bè tế bào gan.

3. 4 Chức năng chính của Gan

Gan vừa có chức năng ngoại tiết, vừa có chức năng nội tiết, vừa là kho dự trữ của nhiều chất, vừa là trung tâm chuyển hóa quan trọng của cơ thể và có tính chất sinh mạng.

a. Chức năng chuyển hóa

Sự chuyển hóa các chất cơ bản (glucid, lipid, proid) diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau trong cơ thể, nhưng ở gan quá trình chuyển hóa này diễn ra rất mạnh mẽ:

  • Thứ nhất, chuyển hóa glucid.

Glucid cung cấp năng lượng sống cho cơ thể (nó đảm bảo 2/3 toàn bộ năng lượng sống trong cơ thể). Chuyển hóa glucid tại gan thông qua quá trình tổng hợp glycogen dự trữ cho cơ thể và tăng phân giải glycogen cung cấp năng lượng cho cơ thể.

  • Thứ hai, chuyển hóa lipid.

Quá trình này chủ yếu xảy ra ở gan. Các acid béo đến gan phần lớn tổng thợp thành triglyceride, phospholipid, cholesterol ester. Từ các chất này gan tổng hợp tạo lipoprotein và đưa vào máu để vận chuyển đến các tổ chức, tế bào khắp cơ thể.

  • Thứ ba, chuyển hóa protid.

Với protein, gan là một trung tâm chuyển hóa quan trọng đồng thời cũng là một kho dự trữ quan trọng nhất của cơ thể. Protein được dự trữ ở gan dưới dạng nhiều protein enzyme và một số protein chức năng. Các protein này khi phân giải sẽ tạo thành các acid amin đưa vào máu cung cấp cho các tế bào khác trong cơ thể.

b. Chức năng chống độc

Gan được xem như là một lá chắn của cơ thể có tác dụng ngăn chặn các chất độc xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, đồng thời làm giảm độc tính và thải trừ một số chất cặn bã do chuyển hóa chất trong cơ thể tạo nên.

Gan thực hiện chức năng chống độc bằng 2 cách như sau:

  • Cách thứ nhất, phản ứng hóa học: đây là cơ chế chủ yếu để biến các chất độc hại thành các chất không độc hoặc ít độc hơn rồi đào thải qua đường thận. Các phản ứng hóa học bao gồm: phản ứng tạo ure, phản ứng liên hợp và phản ứng oxy hóa khử.
  • Cách thứ hai, cố định và thải trừ một số kim loại nặng, các chất màu đến gan sẽ bị giữ lại không biến đổi gì và đào thải ra ngoài qua đường mật.

c. Chức năng tạo mật

Mật được sản xuất liên tục từ tế bào gan và được dự trữ cô đặc ở túi mật rồi từ đó được bơm xuống  ruột non trong các bữa ăn. Mật có tác dụng giúp tiêu hóa thức ăn tan trong dầu, giúp hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể.

d. Chức năng dự trữ

Dự trữ các vitamin tan trong dầu: Gan vừa có tác dụng làm tăng hấp thu các vitamin tan trong dầu nhờ chức năng bài tiết mật, vừa là nơi dự trữ các vitamin ấy. Một số vitamin tan trong dầu được dự trữ tại gan như : vitamin A, vitamin D, vitamin E ..

Dự trữ vitamin B12: Vitamin B12 sau khi được hấp thụ sẽ được vận chuyển về gan và dự trữ ở đó rồi được giải phóng dần cho cơ thể sử dụng. Lượng dự trữ vitamin B12 ở gan rất lớn, có thể dùng cho cơ thể khoảng 2 năm ở điều kiện bình thường .

Dự trữ sắt: Sắt được dự trữ tại gan dưới dạng liên kết với apoferritin. Từ gan, sắt được vận chuyển dần tới tủy xương, tham gia vào quá trình tạo hồng cầu.

Dự trữ máu: Gan là cơ quan nhận được nhiều máu nhất trong cơ thể. Do đặc điểm cấu tạo của gan, các tế bào nội mạc của các xoang mạch nam hoa không gắn chăt vào nhau mà chỉ xếp chồng lên nhau, khiến cho các xoang này dễ giãn và giãn to hơn bình thường và như vậy sẽ chứa được nhiều máu hơn ở các mạch khác trong cơ thể, thực hiện chức năng dự trữ máu.

Như vậy, qua bài viết này bạn đã biết sơ bộ về hình thể, cấu tạo và 4 chức năng chính của Gan trong cơ thể chúng ta. Hãy luôn giữ cho mình một lá gan khỏe mạnh bạn nhé!

> Gọi ngay 0975.149.648 để đặt mua cao cà gai leo Yên Thủy để chăm sóc sức khỏe gan hiệu quả.